Hậu thế ghi nhớ Trương Tuấn (nhà Tống, sinh 1097)

Nhà Tống

Tống Hiếu Tông vô cùng kính trọng, luôn gọi là "Ngụy công", không nhắc đến tên của Trương Tuấn. Nghe tin ông mất, Hiếu Tông thương tiếc, nghỉ chầu 2 buổi, tặng Thái Bảo, sau đó tặng thêm Thái sư. Năm Càn Đạo thứ 5 (1169), đặt thụy là Trung Hiến.

Trong những năm Thuần Hi (1190 – 1194) đời Hiếu Tông, quê hương của ông là Miên Trúc, Tứ Xuyên đã xây dựng "Tiến Đức đường" để thờ cúng.

Tống Lý Tông đánh giá Trương Tuấn, Triệu Đỉnh là gương mẫu của tể tướng, cho vẽ hình ông trên Chiêu Huân các, xem Trương Tuấn là một trong 24 công thần của nhà Tống. Nhà Lý học nổi tiếng là Ngụy Liễu Ông xây dựng Tử Nham thư viện để kỷ niệm Trương Tuấn và Trương Tấn.

Nhà Nguyên

Quang lộc đại phu Triệu Thế Duyên quyên bổng lộc của mình để xây Từ kỷ niệm Trương Tuấn, triều đình ban tên là Tử Nham thư viện. Năm Duyên Hữu thứ 5 (1318), đại thần, tác giả tán khúc là Trương Dưỡng Hạo trước tác "Sắc tứ Thành Đô Tử Nham thư viện ký".

Nhà Minh

Ngày Giáp dần tháng 2 năm Hồng Vũ thứ 21 (1388), Minh Thái Tổ hạ chiếu đưa danh thần các đời vào thờ trong miếu Đế vương, lễ quan tâu lên gồm có Trương Tuấn cùng Chu Công Đán, Thái Công Vọng, Trương Lương, Gia Cát Lượng, Phòng Huyền Linh… cả thảy 36 vị.

Năm Gia Tĩnh thứ 3 (1524), Minh Thế Tông hạ chiếu sửa sang phần mộ của cha con Trương Tuấn, ban sắc xây dựng "Trương Tuấn từ ", rồi hạ chỉ cho xây dựng "Nam Hiên thư viện" (hiệu của Trương Tấn là Nam Hiên), ngự thư ban cho biển ngạch; mệnh gọi đất xây mộ của họ là "quan sơn"; ghi lại vị trí mộ của Trương Tuấn, Trương Tấn ở Ninh Hương và cha mẹ Trương Tuấn ở Miên Trúc vào tự điển quốc gia; sai Thủ phụ Dương Đình Hòa soạn ra "Trùng tu Trương Tuấn từ đường ký".

Thời Minh Anh Tông, triều đình hạ chỉ miễn sai dịch cho hậu duệ của Trương Tuấn.

Nhà Thanh

Thời Thuận Trị, Trương Tuấn nằm trong số 41 vị danh thần các đời được đưa vào thờ trong miếu Đế vương.

Năm Càn Long thứ 11 (1746), tuần phủ Truy Bộ Tích Phất tại vị trí cũ của nha môn Đô ti, khôi phục thư viện ở phía nam thành.

Năm Gia Khánh thứ 25 (1820), tuần phủ Tả Hạnh Trang tại vị trí cũ Diệu Cao Phong (đỉnh Diệu Cao) xây dựng lại; rồi trên đỉnh núi cho dựng "Nam Hiên phu tử từ", phía trước làm gác Văn Tinh, được Đạo Quang ngự thư ban cho tấm biển "Lệ Trạch Phong Trường".

Năm Đồng Trị thứ 8 (1869), triều đình cho xây dựng lại mộ của cha con Trương Tuấn, rồi hạ chiếu thư: "Quan viên văn võ lớn nhỏ đến đây đều phải dừng chân xuống xe vái lạy." Miễn trừ sai dịch cho hậu nhân của Trương Tuấn.

Hiện đại

Năm 1983, chính phủ tỉnh Hồ Nam xác định mộ của cha con Trương Tuấn là văn vật được bảo hộ cấp tỉnh, hiện nay đã là văn vật được bảo hộ cấp quốc gia, lập ra Hội Nghiên cứu tư tưởng Trương Tuấn, Trương Tấn.

Tại vị trí cũ của Tử Nham thư viện, ngày nay là Trung học Miên Trúc, Miên Trúc, Tứ Xuyên cho dựng tượng Trương Tuấn và Nhạc Phi, đề thơ "Tống Tử Nham Trương tiên sanh bắc phạt"; tại mộ của cha mẹ Trương Tuấn thuộc công viên Bách Lâm xây dựng "Trương Tuấn Trương Tấn kỷ niệm quán".

Liên quan